Người nghèo ăn xin ở Sài Gòn "vừa mừng vừa lo"

Khi biết thành phố kêu gọi không cho tiền người ăn xin và sẽ đưa họ vào các trung tâm hỗ trợ xã hội, với người ăn xin nghèo, mỗi người một...

Khi biết thành phố kêu gọi không cho tiền người ăn xin và sẽ đưa họ vào các trung tâm hỗ trợ xã hội, với người ăn xin nghèo, mỗi người một cảm xúc.


Người nghèo ăn xin, vừa mừng vừa lo

Khi được hỏi “Cụ có biết đến ngày 28/12 tới, UBND Thành phố sẽ đưa những người xin tiền về Trung tâm hỗ trợ xã hội không?”, cụ Đồng Khênh (75 tuổi, quê Thanh Hóa, thường bán tăm bông ở ngã tư Trung Chánh, Q. 12) mừng rỡ: “Nếu đúng như vậy thì tốt quá, bà bị người ta đưa lên đây đã mấy năm rồi, ngày nào cũng bắt bà và 4 ông bà nữa đi bán cái này (tăm bông - PV), nếu một ngày không đủ 200.000 đồng, thì chỉ được ăn bánh mì không. Họ hứa sẽ đưa bà về quê, nhưng đợi mãi không thấy. Bà bán cái này có được vào trung tâm không hay phải đi xin họ mới cho vào? người ta có đưa bà về quê không? Nếu có, bà sẽ đợi”

người nghèo ăn xin ở sài gòn "vừa mừng vừa lo" 1

Cụ Đồng Khênh ngày ngày bị bọn chăn dắt lợi dụng, cụ mừng rỡ khi biết quyết định của UBND Thành phố là sẽ đưa người ăn xin vào Trung tâm hỗ trợ xã hội.

Tại chốt đèn đỏ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao cắt với Nguyễn Trọng Tuyển, chúng tôi trò chuyện với một cụ bà ngồi ăn xin ở góc đường. Khi được chúng tôi hỏi thăm, bà cụ cũng cho biết mình đã nghe qua thông tin nhưng sẽ cố gắng xin thêm vài ngày nữa cho đến khi nào được đưa vào cơ sở xã hội thì mới chấm dứt việc ăn xin.
“Tôi sống có một mình thôi, mấy đứa con tôi lấy vợ, lấy chồng nhưng toàn nghèo khổ, chúng không nuôi nổi bà già này, vì vậy tôi mới ra đường xin ăn. Đêm xuống, tôi vô ngủ ké trên mấy cái sạp hàng ở một cái chợ gần đây. Khi mà lãnh đạo thành phố ra thông báo này, tôi thấy vui nhiều hơn là buồn vì ít ra mấy hôm nữa là mình đã có chỗ ăn, ngủ tử tế rồi. Lúc bệnh cũng có người chăm sóc, không sợ mưa gió gì hết. Nói thật là tôi còn vui lắm khi nghĩ đến sau này mình mà có chết thì cũng có cơ sở xã hội họ lo cho đàng hoàng chứ nếu ăn xin thế này, mai này sớm muộn gì cũng chết ngoài đường thôi”.

người nghèo ăn xin ở sài gòn "vừa mừng vừa lo" 2
Bà Trần Thị Xuân (53 tuổi) là một người lang thang, vô gia cư. Bà hay đi xin ăn ở khu vực chợ Tân Phú. Bà cho biết, được cán bộ phường xuống khuyên nên đi vào trung tâm hỗ trợ xã hội để an hưởng tuổi già, bà thấy vừa mừng, vừa lo.

Nhiều người xe ôm tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Viện, Đinh Tiên Hoàng…, khi được chúng tôi hỏi chuyện, moi người đều vui vẻ cho biết, họ rất phấn khởi trước chỉ thị của thành phố đưa ra. Ai cũng vui mừng vì sắp tới đây, những con đường của Sài Gòn sẽ đẹp mắt, văn minh hơn.

Chú Lê Huấn (46 tuổi) là một người lái xe ôm ở ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM) đã được 5 năm. Chú cho biết, chú vô cùng ủng hộ chính sách đưa những người ăn xin vào trung tâm hỗ trợ xã hội, vì "Theo tôi thấy, người ăn xin thì ít, kẻ giả ăn xin thì nhiều. Có nhiều người còn chăn dắt cả trẻ nhỏ. Nhìn thấy mấy đứa nhỏ ngất lên ngất xuống, đội nắng dầm mưa đứng xin mà lòng tôi quặn thắt”.

người nghèo ăn xin ở sài gòn "vừa mừng vừa lo" 3
Cậu bé Hà Văn Long (13 tuổi) chuyên đi xin tiền ở các cây xăng. Cậu chia sẻ: “Bố mẹ con mất sớm nên con mới đi ăn xin. Nhiều lúc xin cả ngày cũng không đủ tiền mua ổ bánh mì. Con nghe người lớn bảo con sắp được vào trung tâm hỗ trợ, được ăn uống, được đi học mà không phải mất tiền. Con vui lắm”.

người nghèo ăn xin ở sài gòn "vừa mừng vừa lo" 4
Em Lê Văn Quang (11 tuổi) lại chia sẻ: “Con thường xin tiền ở khu vực làng đại học (quận Thủ Đức, TP.HCM). Mấy ngày nay, con nghe tin ai đi xin ăn là sẽ vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Con lo lắm vì con còn có mẹ bị bệnh ở nhà nữa. Nếu con đi thì ai chăm sóc mẹ bây giờ”.
Người dân bức xúc lật tẩy chiêu trò của người ăn xin giả

Những năm trước đây, việc cho tiền ăn xin đơn giản chỉ là sự chia sẻ của “kẻ no cho kẻ đói" nhưng khi xã hội phát triển thì ăn xin đã biến tướng và trở thành một "nghề" gây nhức nhối cho xã hội. Từ đây, kẻ lười lao động ngày ngày hưởng lợi từ lòng thương hại của người xung quanh, kẻ chăn dắt lại làm khổ người già, trẻ nhỏ và người tàn tật khiến không ít người bức xúc. Vì vậy, khi UBND TP.HCM kêu gọi "không cho tiền người ăn xin", người dân đã nhiệt tình ủng hộ, họ không ngần ngại kể ra những trường hợp chương tai gai mắt về nạn ăn xin giả mà họ từng chứng kiến.

Ông Nguyễn Phú Đức, người làm nghề xe ôm trước cổng bệnh viện Thống Nhất (Q. Tân Bình) cho biết: “Tôi chạy xe ở đoạn này nên biết rất rõ, những người phụ nữ ở quanh đây thường bắt mấy đứa nhỏ ngồi phơi nắng xin tiền, còn họ thì đánh bài ngay đây. Tối đến thì ôm mấy đứa đó ngồi xin tiền, nhiều lúc không cho tụi nó mặc đồ để có được lòng thương hại của mọi người, trời ngày càng lạnh, tội cho tụi nhỏ quá” - vừa nói chú vừa chỉ tay về phía ngã tư Bảy Hiền, nơi có người phụ nữ ôm đứa trẻ đang ngủ rất say để xin tiền. Vì vậy, tôi thấy quyết định của UBND Thành phố là rất đúng đắn".
Một người bán cá cảnh ở khu vực đường Trường Chinh (Q. Tân Bình, TP.HCM) tỏ ra khá bức xúc: "Chỗ đoạn đường này tôi biết có một người đàn ông khoảng tầm 40 tuổi, ngồi xin tiền tại gốc đèn giao thông với cái chân nhiễm trùng. Nhưng thực ra, hơn 1 năm rồi ông ta vẫn ngồi đó với cái chân nhiễm trùng kia. Nói thực, nếu có nhiễm trùng thì đến bây giờ ông đã phải cưa bỏ chân, hoặc đau đến mức không nhấc lên nổi, đằng này lâu lâu ông ấy đứng lên và đi lại rất bình thường. Những người chăn dắt cũng thường đưa các cụ già đến đây xin, các cụ đội nắng, đội mưa để xin tiền cho những thành phần không tốt, tôi thấy rất thương cho các cụ. Tôi nghĩ UBND Thành phố nên xử lý nhanh việc này để người bị chăn dắt, lẫn người cho tiền không còn bị lợi dụng nữa".
Quyết định không cho tiền người ăn xin của UBND Thành phố vừa ban hành đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của người dân, với mong muốn thành phố trở nên văn minh và sạch đẹp hơn. Người dân khi được hỏi họ có sẵn sàng hỗ trợ UBND Thành phố trong việc điện thoại khi thấy người ăn xin không, hầu hết họ đều xin số điện thoại và lưu lại để khi gặp có thể thông báo cho Trung tâm ngay khi cần thiết.

Related

Xa Hoi 7912165941203311479

Post a Comment Default Comments

Bình luận bằng tiếng Việt có dấu, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, lịch sự. Trân trọng

Bạn có thể bình luận bằng tài khoản Google hoặc Facebook

emo-but-icon

Follow Us

Side Ads

Text Widget

s
item