Sài Gòn: 8 người sống chen chúc trong căn nhà rộng 2,4m2
Với diện tích vỏn vẹn 1,2m x 2m, căn nhà của chị Dung (quận 3, TP.HCM) được mệnh danh là "ngôi nhà nhỏ nhất Sài Gòn". Mỗi lần hộ...
http://sotmang.blogspot.com/2014/11/sai-gon-8-nguoi-song-chen-chuc-trong.html
Với diện tích vỏn vẹn 1,2m x 2m, căn nhà của chị Dung (quận 3, TP.HCM) được mệnh danh là "ngôi nhà nhỏ nhất Sài Gòn". Mỗi lần hội tụ đủ 8 thành viên trong gia đình, 2 -3 người phải ra vỉa hè ngủ vì nhà quá chật chội.
Cách đầu hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) chừng vài chục mét, trong cung đường ngoằn ngoèo là căn nhà được mệnh danh "nhỏ nhất Sài Gòn" của chị Nguyễn Thị Dung (36 tuổi). Theo chị Dung, ngôi nhà có từ 3 đời trước và được tổ tiên nhường lại cho mẹ chị (bà Nguyễn Thị Lan, 53 tuổi) đứng tên.
Ngôi nhà với kết cấu 1 trệt và 1 lầu có diện tích "khiêm tốn" 1,2m x 2m là nơi trú trú ngụ của cả 3 thế hệ từ ông bà đến con, cháu. Trước đây, bà Lan vẫn cố gắng ở trong ngôi nhà chật hẹp nhằm phụ con gái buôn bán, kiếm tiền nuôi 6 đứa cháu ngoại ăn học. Thế nhưng, dù chịu khó song cuộc sống của cả gia đình vẫn vô cùng khó khăn. Cộng thêm việc nhà quá chật hẹp, tù túng nên cuối cùng bà Lan quyết định rời quê hương đi tha phương cầu thực ở Trà Vinh, mong sao cuộc sống vơi đi phần nào vất vả và có được đồng ra đồng vào, phụ giúp nuôi các cháu.
Sau khi bà Lan rời đi, chị Dung cùng 6 người con vẫn ở lại ngôi nhà cũ. Tuy nhiên, được một thời gian, chị Dung không thể kham nổi cả 7 miệng ăn, phải gửi 2 đứa con cho những người bà con xa nuôi hộ. Chị Dung cho biết: "Cứ mỗi lần mẹ tôi và các con về tụ họp đông đủ và ở vài ngày, là tôi và 2 đứa con lớn lại ra vỉa hè trải chiếu ngủ vì nhà nhỏ quá không chứa hết được. Ngồi nghiêng bên này thì đụng người, ngả bên kia thì đụng cầu thang hoặc đồ dùng khác. Còn việc nấu ăn thì hoàn toàn ở bên ngoài, nếu trời mưa phải nấu nhờ hiên nhà hàng xóm".
Hai cánh cửa sổ ở lầu trên và tầng trệt diện tích chỉ khoảng 30cm x 30cm, đủ để gió lùa vào mỗi khi trời nóng. Chị Dung nói: "Tối khi đi ngủ, tôi và các con phải mở toang cửa sổ nếu không muốn bị ngạt".
Chỉ khi có "phận sự", một vài thành viên mới được vào nhà. Còn không, mọi người sẽ đứng ngoài để tránh va vào nhau. Mỗi lần chị Dung vo gạo nấu cơm, các con chị hầu như phải ra ngoài đứng hết hoặc đi chơi đâu đó, khi nào chị xong việc mới được về.
Chỉ có 2 phòng tí hon nhưng lại vô số đồ đạc được đặt bên trong. Thậm chí, nhiều món đồ còn được treo hoặc kê lên tủ để lấy chỗ ngủ cho 3 người. Căn phòng trên lầu là nơi dành cho 3 đứa con ngủ, còn phòng dưới dành cho chị và những đứa trẻ còn lại. Mọi sinh hoạt vui chơi của các con chị Dung hoàn toàn ở bên ngoài. Chỉ khi ngủ và ăn, các em nhỏ mới được vào nhà.
Một góc nhà với vô số đồ đạc mà chị Dung được cho. Sau khi chị Dung sinh con út chưa được bao lâu, chồng chị qua đời vì bệnh nặng. Thương cảm với cảnh góa phụ cùng đàn con thơ, nhiều người thường xuyên mang quần áo, đồ đạc đến giúp chị chăm lo cho các con.
"Cứ mỗi buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, trong nhà chỉ có tôi và 2 đứa út, mấy đứa lớn ra ngoài chơi vì ở trong nhà nóng nực chịu không được. Chuyện trời nóng trong nhà này riết rồi tôi cũng quen, chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ thôi"- chị Dung tâm sự.
Phía dưới cầu thang bắc lên lầu là nhà vệ sinh kiêm nhà tắm có diện tích 1m2. "Đồ dùng cho vệ sinh tắm rửa đều được treo lên tường để tạo không gian" - chị Dung nói.
Hiện nay, các con chị Dung đều học 1 buổi, còn lại về phụ mẹ bán cà phê. Dù căn nhà chật hẹp nhưng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. "Việc học của các con được hỗ trợ một phần học phí nên tôi cũng đỡ lo phần nào. Nhà nhỏ nhưng mỗi khi nhìn thấy nụ cười các con, tôi lại được ấm lòng. Hy vọng các con học hành thật giỏi, có công việc tốt để xây nhà lớn hơn, sống cho đỡ cực"- chị Dung mong ước.
Ngôi nhà mà chị Dung đang sinh sống khiến nhiều người tò mò ngạc nhiên vì giữa lòng Sài Gòn lại có một "cái hộp" nhỏ đến như thế nhưng có tận 8 người sinh sống.
Căn phòng chật hẹp nên các con chị Dung phải thay phiên nhau học bài. Mỗi khi vào bàn học, các bé phải nằm ra nền nhà, phải co chân rất khó chịu.
Nhà nhỏ thiếu ánh sáng nên bé Bảo Ngọc - (con gái chị) phải học bài trong ánh sáng yếu ớt từ cửa phía trước.
Chị Dung mở cửa sổ để tìm chút ánh sáng le lói cho con học bài.
Mỗi lần ăn cơm, chị Dung và các con đều tự lấy mỗi người một tô rồi đem ra ngoài ăn chứ không thể ngồi cùng nhau trong nhà.
Góc nấu ăn siêu nhỏ nằm bên ngoài hẻm của gia đình chị Dung.
Một góc nhỏ trong căn nhà là nơi thờ cúng, xung quanh đều tận dụng kê giá đỡ để treo đồ.
Quần áo mặc dù đã khô nhưng chị Dung vẫn không đem vào vì nhà chẳng còn chỗ chứa.
Phần gác nhỏ tối tăm chỉ có chút ánh sáng le lói nhưng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ. Đó là niềm hạnh phúc vô giá đối với chị Dung.