Gặp lại nữ sinh nghèo từng phải bán chó để có tiền đi thi đại học
Bán chó để có tiền đi thi, làm việc đến kiệt sức để kiếm tiền cộng thêm những tháng ngày bệnh tật, cay đắng, tủi nhục… Thế nhưng, tất cả đ...
http://sotmang.blogspot.com/2014/10/gap-lai-nu-sinh-ngheo-tung-phai-ban-cho.html
Bán chó để có tiền đi thi, làm việc đến kiệt sức để kiếm tiền cộng thêm những tháng ngày bệnh tật, cay đắng, tủi nhục… Thế nhưng, tất cả đều không làm chùn bước cô gái trẻ đầy nghị lực.
Quyết tâm học vì…nhà quá nghèo
Trần Thị Gương (SN 1991) lớn lên ở một xã nghèo thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ba mẹ Gương có tới 8 người con. Tất cả các anh chị em của Gương đều nghỉ học rất sớm, lý do đơn giản vì nhà Gương quá nghèo, mọi người bỏ học đi làm thuê lấy tiền phụ giúp ba mẹ, riêng Gương lại có quan điểm khác. Em bảo, phải học mới thoát nghèo được. Thế nên dù nhà có nghèo đến mấy, đến lớp, tới trường có khó khăn, cực nhọc tới đâu, Gương vẫn cố gắng học.
Ngày ngày, ba mẹ Gương phải đi làm thuê, cuốc mướn cho các hộ gia đình gần đó, số tiền có được chỉ đủ cầm chừng qua ngày, bữa có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Gương cho biết, căn nhà của gia đình em chỉ rộng 30m2 nhưng chứa tới 10 người, các anh chị em của em phải ngủ chung dưới nền nhà.
Vì quá nghèo, ba Gương đâm ra chán nản, rượu chè suốt ngày. Dần dần, các anh chị mất niềm tin vào ba. Còn mẹ và Gương thì bệnh tật triền miên. Nữ sinh này có một cái bướu rất to ở sau lưng. Đây cũng là điều khiến gương luôn cảm thấy mặc cảm mỗi khi ra ngoài. Cái bướu cứ to dần theo thể trạng của cô, và nỗi mặc cảm cũng theo đó mà tăng lên ngày một lớn. “Nhiều khi em cũng muốn lao động thêm để giúp ba mẹ nhưng bệnh tật là rào cản. Bình thường, nếu nói to tiếng hay làm mệt là cái bướu lại chèn thanh quản, khiến hơi thở của em yếu dần rồi ngất lịm”, Gương tâm sự.
Ba mẹ nghèo không có tiền chạy chữa nên đành để vậy. Đi khám, bác sĩ cho biết, nếu phẫu thuật thì sẽ khỏi hoàn toàn nhưng gia đình Gương cũng đành chịu nhìn con mang dị tật vì không xoay đâu ra tiền.
Khi Gương thi đậu vào lớp 10, mẹ em qua đời vì mắc bệnh nan y. Từ đó, Gương và ba nương tựa nhau sống qua ngày. “Những lúc ba không nhậu thì đi làm có tiền trang trải, còn khi ông uống rượu vào thì coi như ngày đó hai bố con phải ăn độn. Các anh chị của em đi làm xa cũng chỉ giúp hai cha con được phần nào". Biết vậy nên Gương sống rất tiết kiệm, em đi nhặt ve chai và dùng số tiền ít ỏi đó để lo cho việc học hành.
Năm 2010, Gương đăng ký thi hai trường trên TP.HCM với ước mơ thi đậu để mai này kiếm tiền giúp gia đình. Thấy con gái quyết tâm đi thi đại học, trong nhà lại chẳng có một đồng dính túi, thậm chí, người ba hỏi vay tiền hàng xóm, người quen nhưng cũng bị từ chối.
"Lúc đó, ba em có nuôi 2 con chó, một to một bé. Thấy nhà chẳng có gì đáng giá hơn, ba quyết định gọi lái buôn đến bán. Tội ba em lắm, ông cứ ngập ngừng không muốn bán chúng tí nào vì ba cưng chúng lắm. Thấy ba đau lòng, em bảo ba bán 1 con thôi là đủ rồi, lên TP.HCM con sẽ ráng tiết kiệm. Vậy là ba quyết định bán con chó to với giá 300 ngàn đồng. Khi người lái buôn nổ máy chạy đi cũng là lúc nước mắt ba trào ra. Ba lưu luyến con chó ấy lắm. Cầm tiền trên tay đi mua thức ăn mà em khóc mãi, thương ba, thấy tủi thân nên em quyết tâm phải thi đậu đại học...”, Gương nhớ lại.
Không đầu hàng số phận
Sau khi mua thức ăn cho ba, Gương cầm 270 ngàn đồng nhét túi với ước mơ thi đậu đại học. Để tiết kiệm, Gương đành lên TP.HCM sớm để kịp đi nhờ xe máy của người em họ mới về thăm quê. Trong suốt hai đợt thi Đại học và Cao đẳng, Gương tá túc luôn ở phòng người yêu của cậu em họ và chắt chiu từng đồng tiền lẻ.
Trời không phụ lòng người, Gương thi đậu vào khoa Thư viện – Thông tin, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Thế nhưng, khi nhận giấy trúng tuyển, Gương cũng phải trằn trọc suốt một thời gian dài vì những khoản tiền nhập học sẽ phải đóng. May mắn thay, lúc ấy chính sách Nhà nước cho sinh viên vay vốn (9 triệu đồng/năm) được chính quyền địa phương áp dụng trên diện rộng nên Gương thuyết phục ba cho mình đi học thành công.
Gương vẫn luôn tin vào tương lai tươi sáng bằng nghị lực sắt đá của mình.
Để trang trải việc học và tiết kiệm tiền vay vốn, Gương nhanh chóng tìm công việc làm thêm. Năm thứ nhất, Gương mượn xe đạp của bạn đi làm công nhân cho công ty cách ký túc xá 4km. Công việc của Gương là gói bánh kẹo với tiền công 45.000 đồng/buổi. Vì thế, dù đạp xe vất vả nhưng Gương rất vui vì có thể tự lo tiền ăn học của bản thân mà không cần nhờ tới trợ cấp của gia đình. Sau đó, Gương còn đạp xe đi làm thêm những công việc khác như phát tờ rơi, nhập dữ liệu, rửa bát đĩa ở tiệm cơm...
Những tưởng cuộc sống của cô sinh viên sẽ trôi qua như thế cho đến ngày tốt nghiệp. Nhưng tai họa lại ập đến, năm 2014, căn bệnh u cột sống phát tác khiến cô phải bỏ dở việc học. Nằm viện với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không bạn bè, chỉ có người cha côi cút chăm sóc, cô tưởng tương lai sẽ khép lại với mình. Cô khóc, khóc vì bất lực trước số phận, khóc vì những khó khăn, giông bão phía trước mà cô phải đối mặt.
Nhưng may mắn thay, Gương cho biết, trong thời gian tuyệt vọng nhất, những nhà hảo tâm biết chuyện đã giúp đỡ để cô có thể phẫu thuật. Sau phẫu thuật, cuộc sống của cô vẫn khó khăn như trước, nhưng sâu trong tâm hồn cô gái trẻ lại bừng lên niềm tin và hy vọng. Cô sẽ tiếp tục việc học, theo đuổi những ước mơ còn dang dỡ.