Cô gái Việt thoát chết thần kỳ giữa bão tuyết Nepal
Võ Thị Mỹ Linh, cô gái Việt Nam - 25 tuổi, may mắn thoát nạn trong trận bão tuyết khủng khiếp hôm 15-10 ở Nepal kể “không nhớ là phải đi q...
http://sotmang.blogspot.com/2014/10/co-gai-viet-thoat-chet-than-ky-giua-bao.html
Võ Thị Mỹ Linh, cô gái Việt Nam - 25 tuổi, may mắn thoát nạn trong trận bão tuyết khủng khiếp hôm 15-10 ở Nepal kể “không nhớ là phải đi qua bao nhiêu xác người để trở về".
Mỹ Linh trên đèo Thorung La sau khi bão tan (ảnh do nhân vật cung cấp).
Ngay sau khi vụ bão tuyết kèm lở tuyết xảy ra ở Nepal, tin tức về người chết và bị thương nhanh chóng lan đi, trong đó có 1 người Việt được cho là đã thiệt mạng.
Trong khi đó Hiệp hội các công ty leo núi Nepal (TAAN) xác nhận rằng có tới 3 người Việt thiệt mạng.
Đến nay những thông tin trên vẫn chưa chắc chắn vì bản thân cơ quan này cũng chưa nắm được danh tính của các nạn nhân.
Tuy nhiên, trong số những người có mặt tại khu vực xảy ra thảm họa hôm đó có chị Võ Thị Mỹ Linh, một cô gái Việt 25 tuổi đi leo núi cùng bạn trai người Nepal.
Linh may mắn thoát nạn trong trận bão tuyết và hiện đang trú an toàn tại một khách sạn ở thủ đô Kathmandu.
Đã an toàn ở Kathmandu
Nói chuyện với Tuổi Trẻ qua điện thoại sáng ngày 18-10, Linh cho biết: “Tôi không bị vấn đề gì. Lúc xuống núi tôi đi nhanh hơn mọi người để tìm bạn. Ngay khi đó, một số người đã bị mù vì ánh nắng mặt trời chiếu mạnh ở độ cao trên 5.000m. Tôi thì không bị mù nhưng khi về đến khách sạn, tắm xong thì bị mù tạm thời. Sau 1 ngày mắt tôi đã khỏi, chỉ còn hơi đỏ nhưng da tôi bị cháy nắng”.
Linh là cựu phóng viên tạp chí Mốt và Cuộc sống, sau đó chuyển sang làm PR cho Ngân hàng Phương Đông. Sau đó Linh nghỉ việc để đi khám phá.
Linh có một người bạn đồng hành quốc tịch Indonesia. Ban đầu cô gái yêu du lịch này còn định sau chuyến leo núi sẽ đến vùng núi Dolakha để làm tình nguyện viên.
Về danh tính những người Việt khác, Linh cho biết trên đường đi có gặp một nam thanh niên tên Phong. Ban đầu Linh định xin anh Phong số liên lạc nhưng thấy anh này đang mệt và yếu nên thôi.
Linh kể anh Phong đi với hướng dẫn viên riêng và sau đó chị đã gặp lại hướng dẫn viên này. “Tôi nghĩ anh Phong an toàn mặc dù bây giờ để liên lạc lại thì rất khó” - Linh nói.
Cô gái trẻ này cũng đang tìm cách làm việc với chính quyền sở tại để xác minh thêm thông tin về những người Việt khác có mặt tại khu vực leo núi (nếu có).
Chị Võ Thị Kim Cương, chủ một nhà hàng Việt ở Kathmandu cho Tuổi Trẻ biết chị đã liên lạc với Mỹ Linh và đã sang khách sạn nơi Linh đang ở để hỏi thăm và đem theo đồ ăn Việt cho cô gái trẻ này.
Chống chọi với bão tuyết
Nhóm của Mỹ Linh xuống núi về làng Muktinath sau khi bão tan (ảnh do Linh cung cấp).
Linh cho biết đây là mùa đẹp để leo núi ở Nepal. “Đây là mùa thu, trời không nóng không lạnh, rất tuyệt để leo núi. Đây cũng là lần đầu tiên có bão vào mùa này nên người Nepal ai cũng bàng hoàng” - Linh kể.
Linh bắt đầu chuyến leo núi vào ngày 6-10 cùng với người bạn Indonesia và một người bạn nữa đến từ Nga. Người bạn Nga đi được 2 ngày thì cảm và quyết định quay về Pokhara. Linh và bạn thân leo đến ngày 13-10 thì đạt độ cao 4.833m.
Vì tiết kiệm tiền nên Linh và bạn thân không thuê người khuân vác và hướng dẫn viên. Tối hôm đó, tuyết bắt đầu rơi nhưng ai cũng nghĩ đó là chuyện bình thường ở độ cao như vậy.
Sáng 14-10, Linh tiếp tục leo núi. Người bạn Indonesia sau đó đã đi rất nhanh nên Linh lạc mất cậu ta. Linh kể lại câu chuyện trên Facebook cá nhân:
“Từ 8h trở đi, tuyết bắt đầu rơi mạnh kèm theo gió bão. Tôi cố gắng bám theo đoàn người đi trước nhưng không kịp do găng tay và giày tôi không phải loại chống nước nên dễ dàng bị ướt khiến cả tay và chân tôi gần như bị đóng băng.
Một nhóm leo núi khác tiến lên. Tôi cố gắng bước theo họ nhưng cơn bão tuyết mạnh ngang qua khiến tôi không còn thấy dấu chân hay bóng dáng họ nữa và bị lạc giữa thung lũng tuyết không bóng người”.
Linh cố gắng lê chân đến một trạm dừng có nhiều cờ và lết vào trong một căn nhà nhỏ là một tiệm trà. Lúc đó khoảng buổi trưa ngày 14-10.
Trong nhà bé xíu có chừng 50 người. Linh và mọi người cố gắng chờ 2 tiếng để xem bão có bớt không nhưng thời tiết ngày càng tệ. Khó khăn chồng chất khó khăn khi vào thời điểm đó việc thuê ngựa hay trực thăng để xuống núi là bất khả. Điện thoại và bộ định vị GPS không hoạt động.
Sau cùng, đến 3g chiều, một người bản địa từ làng Muktinath lên đến ngôi nhà. Ông ta đòi 60 USD mỗi người để ông ta dẫn xuống núi. Linh buộc phải đi theo cùng đoàn người và người đàn ông bản địa kia vì nếu ở lại căn nhà sẽ chết cóng và nguy hiểm.
Nhưng rồi khi ra ngoài nhìn thấy bão tuyết quá lớn, Linh quyết định quay trở vào nhà. Vài người chuẩn bị đi thấy Linh quay vào bèn hỏi thăm.
Linh nói: “Bão ở bên ngoài rất lớn, nếu các bạn ở lại ngôi nhà này các bạn có thể sống được 3 ngày vì có thức ăn và túi ngủ. Nhưng nếu các bạn xuống núi ngay lúc này, có thể các bạn sẽ chết trong tích tắc”.
Tổng cộng 30 người xuống núi và khoảng 20 người ở lại căn nhà. Nam thanh niên người Việt tên Phong cũng ở lại trong nhà của Linh.
Qua sáng 15-10 thì bão tan, tuyết ngừng rơi và trời hửng nắng. Mọi người chuẩn bị đồ đạc xuống núi. Trước khi đi, mỗi người để lại ít tiền cho người chủ tiệm trà.
Trên đường đi, Linh kể rằng thấy một số thi thể bị tuyết vùi lấp. Có người thì vẫn sống sót, thấy đoàn người đi qua thì kêu lên cầu cứu. Mọi người đào xới tuyết để lôi ông ra nhưng không ai dám ở lại với ông vì sợ bão tuyết lại ập đến.
Linh đưa túi ngủ cho ông này để ông có thể nằm đợi trực thăng đến cứu.
Không nhớ bao nhiêu xác người
“Tôi không nhớ là đã bước qua bao nhiêu xác người để đi về. Chỉ biết có những lúc 2-3 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết. Lúc đi qua một cái hố sâu, một chàng trai trẻ đã chết nhưng mắt vẫn mở nằm ngay giữa đường. Tôi không dám bước qua xác anh ta để đi nhưng rồi bắt buộc phải nhắm mắt bước qua vì đó là con đường duy nhất” - Linh kể lại.
Xuống đến khu vực có trực thăng cứu hộ, Linh gặp lại một cô bạn người Trung Quốc, một trong 30 người xuống núi trước đó trong cơn bão.
Cô gái người Trung Quốc này kể một nửa trong số người xuống núi trước đã chết vì không thể vượt qua cơn bão.
Về đến làng Muktinath, Linh gặp lại cậu bạn người Indonesia.
Linh có những dòng chia sẻ rất xúc động trên Facebook rằng: “Tôi xin chia buồn cùng các nạn nhân xấu số đã ra đi. Mỗi người họ đến từ một vùng miền đất nước khác nhau. Chúng tôi không quen nhưng đã từng sẻ chia những miếng bánh, những ngụm nước và những câu chuyện cười. Và giờ, có những người tôi không bao giờ gặp lại”.
Nhóm leo núi chen chúc trong ngôi nhà nhỏ là một tiệm trà trên núi tuyết (ảnh do Linh cung cấp).
Linh từng ra khỏi tiệm trà nhưng phải quay lại khi thấy bão tuyết quá lớn (ảnh do Linh cung cấp).
Người đàn ông bị vùi trong tuyết được nhóm của Mỹ Linh cứu (ảnh do Linh cung cấp).